DUYÊN & TÂM
(Chuyện của người cán bộ pháp chế và quản lý khoa học
nhân kỷ niệm 49 năm Ngày truyền thống lực lượng Pháp chế CAND)
Buổi sáng tiết trời vào thu se lạnh, như thường lệ, chúng tôi bắt đầu bằng những chồng văn bản cao bằng cả gang tay ngay ngắn trên bàn, dưới đôi “mục kỉnh” có lẽ gần đây đang tăng dần độ dày, ai cũng nở nụ cười đầy năng lượng khởi động cho ngày làm việc hiệu quả, đó cũng là một cảm xúc đáng yêu thường thấy của người cán bộ pháp chế và quản lý khoa học Công an thành phố Cảng.
Hướng dẫn thủ tục hành chính tại Công an quận Ngô Quyền
Tiếng gõ cửa vang lên, bước vào là cậu em đã chuyển công tác về cơ sở được hơn năm, gương mặt hớn hở, mang theo cả tập hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến trong công tác cải cách hành chính lên trao đổi. Xong việc, tranh thủ vài phút “ngắn ngủi” nghỉ giải lao,nhấp vội chén trà đặc, tôi hào hứng:
- Sao, lính pháp chế về cơ sở thấy thế nào?
- Dạ, cũng ổn ạ!Anh còn nhớ từng chia sẻ với em về “Thuyết con Nhím”của Jim Collins không ạ? Càng ngẫm em càng thấy đúng, khi mình tập trung vào điểm mạnh của bản thân, điều đó sẽ đó tạo ra lợi thế và sự khác biệt, từ đó giành chiến thắng. Ở đây không phải là giành chiến thắng với ai, mà em chiến thắng chính bản thân mình để khẳng định giá trị, do đó,về cơ sở lại được giao đúng sở trường công tác, được tiếp cận nhiều vấn đề thực tiễn, nên cũng vỡ vạc ra nhiều anh ạ - Cậu em hào hứng chia sẻ.
Cậu em tôi vừa nhắc đến là Thiếu tá Nguyễn Khắc Hoàng Minh, nguyên là Phó Bí thư Đoàn thanh niên Công an thành phố. Với mong muốn tiếp bước người cha đã quá cố, từng là người Đội trưởng “lâu năm” làm công tác tổng kết lịch sử và quản lý khoa học, Minh đã chủ động “xin” về đóng góp cho công tác lịch sử và khoa học Công an. Khi có yêu cầu tăng cường biển đảo, cậu em được điều động về công tác tại Công an huyện đảo Bạch Long Vĩ, nhưng chính cái “duyên” nghề mà đến khi về cơ sở, cậu em vẫn tiếp tục gắn bó với lĩnh vực liên quan công tác pháp chế của địa phương.
Lại nói về ba vòng tròn trong thuyết con Nhím của nhà nghiên cứu Jim Collins mà dân nghiên cứu hay chia sẻ, mỗi cán bộ công tác pháp chế chúng tôi có lẽ đang mang đủ đáp án cho 3 câu hỏi: Đam mê của chúng tôi là gì? Thứ chúng tôi giỏi nhất là gì? Và nhu cầu của xã hội, yêu cầu lĩnh vực công tác là gì?
Chúng tôi luôn có quan niệm rất “giản đơn” về chấp hành mệnh lệnh, điều động của tổ chức và đó cũng là kỷ luật “người lính”. Vạn vật đều có hợp có tan, mỗi cán bộ đi và về Đội Pháp chế và Quản lý khoa học đều có một câu chuyện riêng, nhưng cái duyên đã dẫn lối đến với công tác pháp chế, một thiện duyên để có thêm cơ hội được luyện rèn bản lĩnh, năng lực và trách nhiệm.
Đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND, Phòng Pháp chế Công an thành phố đã được sáp nhập vào Phòng Tham mưu và tiếp tục sáp nhập với Đội Tổng kết Lịch sử và Quản lý khoa học với tên gọi mới là Đội Pháp chế và Quản lý khoa học. Với sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức và có những khó khăn nhất định nhưng lực lượng Pháp chế Công an thành phố đã khắc phục mọi khó khăn, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần chủ động, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nói về cán bộ “pháp chế xịn”, không thể không nhắc đến Trung tá Nguyễn Quốc Việt -Phó Đội trưởng, Thiếu tá Nguyễn Văn Tiến và Thiếu tá Bùi Thị Thương. Là ba cán bộ pháp chế còn lại tiếp tục về công tác tại Đội Pháp chế và Quản lý khoa học, các đồng chí là những chủ công, “nòng cốt” tiếp tục phát huy và đem “màu sắc” pháp chế về đội công tác mới với tác phong làm việc chỉn chu, cẩn thận, chủ động và trách nhiệm. Những vấn đề khó trong công tác pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp luôn được những “hạt nhân” tham mưu giải quyết một cách sáng tạo, nhanh chóng, chính xác, phù hợp thực tiễn.
Không có xuất phát điểm làm “pháp chế”, nhưng lại là những người gắn bó với lĩnh vực pháp chế, trực tiếp làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật tại các trường Công an nhân dân trước khi về công tác tại Công an thành phố Hải Phòng. Thiếu tá Lương Thị Thùy Giang và Thiếu tá Nguyễn Thị Nhã từng hằng ngày đứng bục giảng, sau đó được điều động về công tác tại các đơn vị nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực giảng dậy, nhưng rồi “bỗng dưng cơ duyên” lại được tổ chức lần lượt điều động về công tác tại Đội Pháp chế và Quản lý khoa học. Những kiến thức, kinh nghiệm của các “cô giáo” là “tài sản” quý báu khi anh, chị em tiếp cận những vấn đề mới cần tháo gỡ.
Còn như trường hợp “chú em” Trung úy Nguyễn Minh Phúc học về ngành điện tử, viễn thông Công an được bố trí “trái ngành” để hỗ trợ làm công tác pháp chế và quản lý khoa học. Phát huy tinh thần cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, Phúc chịu khó học hỏi, tìm tòi,có những đóng góp rõ nét,đề xuất nghiên cứu sáng kiến, ứng dụng tin học và vận dụng linh hoạt vào công tácpháp chế, cải cách hành chính. Khi có chủ trương tăng cường cơ sở, sau lời khuyên của chúng tôi “còn trẻ cần phải năng động, làm nhiều việc, đi nhiều nơi và em đã đủ kiến thức để làm điều đó”, Phúc làm đơn “xung phong” đi Công an huyện Cát Hải để cống hiến trải nghiệm những điều kiện, lĩnh vực công tác mới và đang tiếp tục phát huy rất tốt tinh thần của một cán bộ pháp chế.
Gắn bó và có duyên với công tác cải cách hành chính từ khi chưa sáp nhập, Trung tá Nguyễn Thị Mỹ Trang –Phó Đội trưởng,người hiểu rất rõ sự cần thiết và nắm bắt đầy đủ những yêu cầu lĩnh vực công tác, từng chia sẻ: “Mỗi quy định, mỗi điều luật mà mình tham gia xây dựng, hoàn thiện sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai nhiệm vụchính trị của lực lượng Công an thành phố cũng như cuộc sống của rất nhiều người dân. Vì vậy, không có chỗ cho sai sót hay lơ là. Trách nhiệm của người cán bộ làm công tác pháp chế là làm sao để pháp luật được áp dụng đúng, công bằng và hợp lý, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhân dân, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự".
Bản thân tôi, tự nhận mình là dân “tay ngang” về làm công tác pháp chế, được giao trọng trách là Đội trưởng, cảm thấy may mắn có những đồng đội “thiện chiến” đồng hành.Việc đánh giá, nhìn nhận đúng, đủ, chính xác, kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ công tác để chủ động tham mưu, cũng như bắt tay cụ thể từng việc từ cái “nhỏ nhặt” nhất với phương châm “một người làm nhiều việc” nhưng cũng phải đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn, phù hợp sở trường, nguyện vọng, nhu cầu, đòi hỏi tôi luôn phải đặt trọn vẹn cả tâm ở trong đó.
Trước yêu cầu đòi hỏi xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với chức năng nhiệm vụ được giao lực lượng Pháp chế Công an nhân dânđãvà đang có những đóng góp sâu sắc trong công tác xây dựng,áp dụng pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp.Vượt qua những khó khăn, những cán bộ Đội Pháp chế và Quản lý khoa học Công an thành phố Cảngkhông đơn độc, chúng tôi còn có cả lực lượng Pháp chếcác đơn vị, địa phương đồng hành, luôn giúp đỡ nhau hoàn thiện công việc, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau, động viên nhau “hãy làm những việc bình thường bằng lòng say mê phi thường”, “làm hết việc chứ không hết giờ”, “làm việc bằng cái tâm của chính mình”; chia sẻ với nhau những chuyện vui, buồn trong cuộc sống, coi nhau như anh, chị em trong gia đình, vì thời gian chúng tôi làm việc cùng nhau tính ra còn “nhiều hơn” thời gian chúng tôi ở cùng gia đình.
Chúng tôi – lực lượng pháp chế và quản lý khoa học thành phố Cảng tự hào vì đã phát huy được trí tuệ, khả năng đóng góp của chính mình đã đến với nhau bằng cơ duyên thì làm sẽ làm việc hết sức mình bằng cả trái tim, niềm đam mê, cũng tự hào nói rằng đây là cái nôi để đào tạo những thế hệ cán bộ đủ năng lực đáp ứng các nhiệm vụ CAND và sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức,không quên lời dạy của Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “danh dự là điều thiêng liêng nhất”, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, đồng thời nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ,góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống 49 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân.
Trung tá, Thạc sĩ Đặng Thái Hòa - Đội trưởng Đội Pháp chế & Quản lý khoa học Phòng Tham mưu – CATP Hải Phòng