“Đức mẹ Thiên Nga cứu thế” hoặc “Đức mẹ Thiên Nga” là "hiện tượng tôn giáo mới" dobà Chu Thị Đặt, sinh năm 1936, ở huyện Chương Mỹ- Hà Nội sáng lập, sau đó lan truyền ra nhiều tỉnh phía Bắc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Nghệ An,…
“Đức mẹ Thiên Nga cứu thế” không có giáo lý riêng, được bà Đặt giải thích chung chung là đạo của người mẹ quảng đại (tức Đức mẹ) thay mặt cho Hằng nga xuống cứu độ muôn dân, cứu chúng sinh trên khắp cõi trần, cầu chúng sinh vượt qua khổ ải bệnh tật. “Đức mẹ Thiên Nga cứu thế” không có giáo luật rõ ràng ngoài một số quy định có ý đồ của “Đạo chủ” nhằm khuyến khích đạo hữu phải thành tâm, phải có lòng tin, phải thoát tục và phải chăm tu tích cực hành đạo.
“Đức mẹ Thiên Nga cứu thế” mang dấu ấn của loại hình tín ngưỡng sơ khai: Tứ pháp, thờ mẫu, thờ các hiện tượng tự nhiên, các nhân vật được thần thánh hóa. Cách thức hành lễ đơn giản, cách bài trí ban thờ, cách dâng đồ lễ có sự vay mượn một số tích trong yếu tố dân gian hoặc một số cách hành lễ của Đạo Phật (tụng kinh, gõ mõ, niệm nam mô...),không đốt vàng mã. không rượu, không lễ mặn... Người hành lễ không phải xưng tên, tuổi, quê quán, địa chỉ; thời gian một khóa lễ khoảng 20-30 phút.
Ban đầu, “Đức mẹ Thiên Nga cứu thế” đã hoạt động rất mạnh, số lượng tín đồ có thể lên đến hàng trăm người, nhờ sự vào cuộc và vận động của các ban ngành tại các địa phương có Hội “Đức mẹ Thiên Nga cứu thế” hoạt động, đến nay số lượng người theo còn lại rất ít.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ “Đức mẹ Thiên Nga cứu thế” chưa được Nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo. Tại Hải Phòng chưa ghi nhận sự xuất hiện của “Đức mẹ Thiên Nga cứu thế”,để góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn thành phố, đề nghị nhân dân cần nhận diện rõ bản chất của “Đức mẹ Thiên Nga cứu thế” để không bị lôi kéo tham gia, kịp thời thông báo với chính quyền nếu phát hiện có hoạt động của “Đức mẹ Thiên Nga cứu thế” ở địa phương.