Tháng 8-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP trong phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Trong Nghị quyết này, đáng chú ý là việc Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Công an trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, quy định về điểm của giấy phép lái xe (GPLX). Trong đó, Chính phủ đồng ý quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm.
Hiện nay, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX đang còn sơ hở, bất cập và bị buông lỏng, cơ quan cấp GPLX chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe. Việc quản lý GPLX chưa gắn với quản lý vi phạm của người lái xe.
Quy định trừ điểm và phục hồi điểm GPLX được coi là một biện pháp quản lý Nhà nước cần thiết và hữu hiệu.
Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm trong cùng một hành vi vi phạm cụ thể mới quản lý đối tượng vi phạm trong một hành vi vi phạm cụ thể mà chưa có biện pháp quản lý liên thông giữa các lần vi phạm khác nhau trong suốt quá trình tham gia giao thông của người lái xe. Nhưng việc quy định biện pháp quản lý hành chính (trừ điểm GPLX) là quản lý theo dõi quá trình chấp hành pháp luật và số lần vi phạm của người lái xe trong quá trình tham gia giao thông.
Việc quy định trừ điểm và phục hồi điểm GPLX được coi là một biện pháp quản lý Nhà nước cần thiết và hữu hiệu trong tình hình hiện nay, đồng thời quy định trong 12 tháng người lái xe không bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi điểm nhằm khuyến khích người lái xe nâng cao và có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thời gian tới, Bộ Công an cũng sẽ đề nghị khi sửa Nghị định xử phạt về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ hạn chế quy định tước GPLX, áp dụng nhiều hơn quy định trừ điểm GPLX để theo dõi quản lý toàn bộ quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.