"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ

A
Cập nhật: 15/03/2022 19:05

Chiều 14/3, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến: “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự chỉ đạo hội thảo. Dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Khuất Việt Hùng Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Về phía đơn vị thường trực tổ chức hội thảo, tham gia điều hành thảo luận có Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị CAND. Hội thảo có sự tham gia của trên 100 nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý trong và ngoài CAND, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành trung ương. Tại điểm cầu 63 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ; đại diện đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương; đại diện một số sở, ngành liên quan, các nhà khoa học; lãnh đạo Công an tỉnh, thành phố...

Đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) trong tình hình hiện nay; trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xuất phát từ tình hình thực tiễn về TTATGT đường bộ ở nước ta trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương và chỉ đạo xây dựng 2 dự án luật liên quan đến giao thông đường bộ, bao gồm: Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, với vai trò nòng cốt lực lượng CAND đã làm tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, TTATXH trong hoạt động giao thông đường bộ, như: các vi phạm pháp luật trên tuyến giao thông đường bộ đã được phát hiện, xử lý ngày càng nhiều hơn; nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm trên tuyến giao thông đường bộ đã được hình thành và đang triển khai có hiệu quả; bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của đoàn đến, đoàn ra; các hoạt động lớn trên tuyến giao thông đường bộ” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đảm bảo an ninh con người, đảm bảo an toàn giao thông và cho biết với mục đích tham mưu với Đảng, Nhà nước,Chính phủ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự án Luật TTATGT đường bộ, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học này nhằm làm rõ luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự luật; luận giải, làm rõ những vấn đề thuộc về TTATGT đường bộ, giao thông “động” trong Luật TTATGT đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay; phân tích, đánh giá thực trạng tình hình TTATGT đường bộ ở Việt Nam và sự tác động, ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng, sức khỏe đối với người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân; phân tích đánh giá sự tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới đề cao bảo vệ tính mạng cho con người.

Hội thảo đã có 10 ý kiến tham luận trực tiếp tại các điểm cầu, ngoài ra, Ban Tổ chức còn nhận được 32 báo cáo khoa học hết sức chất lượng, tâm huyết, được đăng trong kỷ yếu.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại điểm cầu Nghệ An

Mở đầu hội thảo, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, người lao động tham gia giao thông cho rằng ATGT ở nước ta đang nổi lên như một vấn đề cấp bách, nổi cộm, mọi người dân trước khi bước ra đường đi học, đi làm đều mong muốn về nhà an toàn. Dẫn số liệu từ năm 2009 đến tháng 8/2020 cả nước xảy ra gần 335.000 vụ TNGT, làm chết hơn 100.000 người, hầu hết là lực lượng lao động trẻ, đồng chí nêu rõ, “Dự thảo luật đã xác định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ quản lý nhà nước về TTATGT, xây dựng lực lượng CSGT là lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT đường bộ và chịu trách nhiệm tham mưu với cấp có thẩm quyền tổ chức. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn CSGT đang là lực lượng chính trong quản lý TTATGT đường bộ”.

Đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nêu khái quát công tác đảm bảo TTATGT ở Cần Thơ trong những năm qua; khẳng định cần thiết phải xây dựng Luật TTAGT đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hoá giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, hướng tới tiếp cận văn hoá giao thông của các nước phát triển, trên thế giới, đề cao bảo vệ tính mạng cho con người. “Mục đích là đảm bảo quy định chi tiết, cụ thể, tạo điều kiện cho việc quản lý chuyên sâu, hiệu quả, giảm thiểu số vụ TNGT, số người chết, bị thương cũng như tạo thuận lợi cho việc phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý trên lĩnh vực ATGT – kết cấu hạ tầng giao thông – vận tải đường bộ” – đồng chí Trần Việt Trường nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ phát biểu

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ phát biểu cho biết, từ những luận cứ khoa học và những vấn đề thực tiễn, Bộ Công an và Bộ GTVT đã thống nhất xây dựng 2 Luật là Luật Đường bộ và Luật TTAGT đường bộ, củng cố luận cứ khoa học, lý luận, thực tiễn để báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội. “Chúng tôi thấy rằng cần thiết phải có Luật TTATGT, trong đó nêu rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm, cơ quan nào phối hợp. Chính phủ yêu cầu trình 2 Luật song hành nhau để nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, người nào chịu trách nhiệm ở giai đoạn nào, nhiệm vụ nào” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, thành viên Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an cho biết qua các tham luận tại hội thảo cho thấy, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết phải có 2 luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. "Điều đó khẳng định Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội hoàn toàn đúng đắn", Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nhấn mạnh và cho biết, 2 luật đều đã được chuẩn bị 3 năm, trong khi thực tế TTATGT đường bộ đang rất phức tạp.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cũng cho rằng, kinh tế - xã hội nước ta những năm qua đạt nhiều thành tựu lớn nhưng TTATGT vi phạm rất nhiều, mỗi năm các lực lượng chức năng xử phạt khoảng 5-6 triệu trường hợp. Đặc biệt, vẫn còn trường hợp người vi phạm coi thường pháp luật, sẵn sàng chống trả lực lượng thi hành công vụ; văn hoá giao thông, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Do đó, nền TTATGT cần một đạo luật cụ thể, mạnh mẽ hơn để điều chỉnh điều này, đó là Luật TTATGT đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Đại tá Nguyễn Quốc Hùng tham luận tại điểm cầu Công an tỉnh Hà Nam

Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam tham luận cho rằng, từ tình hình thực tiễn trên, cần thiết phải xây dựng Luật TTATGT đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, hướng tới tiếp cận văn hóa giao thông của các nước phát triển trên thế giới, đề cao bảo vệ tính mạng cho con người; cần tách bạch hóa giữa lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ với quy định về kết cấu hạ tầng của giao thông đường Bộ thành 2 Luật riêng để cá thể hóa trách nhiệm khi xác định rõ nguyên nhân gây tại nạn giao thông; cần quy định cụ thể, chi tiết các chế định có liên quan để đảm bảo TTATGT như: điều tra, giải quyết TNGT; chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; TTKS đảm bảo TTATGT; giải quyết các vấn đề ANTT, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về TTATGT... trong luật TTATGT để bảo đảm tính chuyên sâu, thuận lợi cho quá trình áp dụng, hạn chế ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn, dễ dẫn đến chồng chéo.

Cùng quan điểm với Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, từ điểm cầu TP Đà Nẵng, đồng chí Châu Thành Việt, Phó Giám đốc sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cho rằng, cần nghiên cứu, quy định đầy đủ các vấn đề về đảm bảo TTAGT quy định ngay trong Luật. Trong quá trình xây dựng Luật phải nghiên cứu các biện pháp, giải pháp nâng cao ý thức tự giác của người dân trong tham gia giao thông, có sự phối hợp giữa của các cấp, các ngành; có chế tài xử lý nghiêm minh, có tính răn đe hơn đối với người vi phạm.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, các ý kiến đã phân tích, làm sâu sắc luận cứ khoa học cho việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ, đồng thời phân tích, làm sâu sắc luận cứ thực tiễn phản ánh sự cần thiết và cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ trong tình hình hiện nay ở Việt Nam. Nhiều tham luận đã đánh giá thực tiễn TTATGT đường bộ ở một số địa phương cũng như yêu cầu khách quan thực tiễn đòi hỏi phải hoàn thiện cơ sở pháp luật về TTATGT đường bộ, trong đó có đề xuất xây dựng, ban hành dự án luật. Các tham luận đã thể hiện rõ sự nghiên cứu công phu, tâm huyết và đầy trách nhiệm, sự trăn trở trước một lĩnh vực mà lâu nay được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như quần chúng nhân dân, các cơ quan báo chí quan tâm... Đồng chí Thứ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến, chú ý những vấn đề mới, lạ, khó, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm mà dư luận cả nước hiện nay đang quan tâm để hoàn thiện kết luận, gửi đến đại biểu tham dự tại hội trường và 63 tỉnh, thành, cũng như thực hiện các quy trình về xây dựng luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các đại biểu đã tham gia viết bài tham luận và tới dự hội thảo; ghi nhận các ý kiến sâu sắc và đóng góp quý báu, nhất là đã đề xuất giải pháp thiết thực góp phần vào thành công của hội thảo. "Những ý kiến quý giá đó sẽ làm luận cứ cho chúng tôi tiếp tục tiếp thu, giải trình và xây dựng các bước tiếp theo hoàn thiện Dự án Luật TTATGT đường bộ trình Chính phủ cho ý kiến, qua đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 tới đây", đồng chí Thứ trưởng thông tin.

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21321759
Trực tuyến: ...