Hành vi vượt rào chắn đường ngang khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang là những lỗi thường gặp tại những thời điểm có tàu hỏa chạy qua các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi trên đã tăng cao hơn so với quy định trước đây tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
- Với xe ô tô: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển (khoản 8 Điều 47). Trước đây, hành vi này chỉ bị phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
- Với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển (khoản 7 Điều 47). Trước đây, hành vi này chỉ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
- Với xe mô tô, xe gắn máy kể cả xe máy điện: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồngđối với người điều khiển (khoản 5 Điều 47). Trước đây, hành vi này chỉ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Đồng thời, người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm lỗi trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng.
- Với xe đạp, xe đạp máy, kể cả xe đạp điện: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển (khoản 3 Điều 47). Trước đây, hành vi này chỉ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.
- Với người đi bộ:Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng (khoản 1 Điều 47). Trước đây, hành vi này chỉ bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng.
Để đảm bảo an toàn giao thông khi đi qua đường ngang, lối đi tự mở, tại Điều 25, Luật giao thông đường bộ năm 2018 quy định việc: Đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt như sau:
1. Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.
2. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
3. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
4. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.
5. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt hoặc trong phạm vi an toàn đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.
6. Những người có mặt tại nơi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển phương tiện đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.
Đề nghị người tham gia giao thông cần chấp hành tốt quy định trên góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt.