Thời gian gần đây, trên các trang diễn đàn mạng có nhiều ý kiến bức xúc về tình trạng ô-tô “độ” đèn pha với cường độ ánh sáng mạnh, gây lóa mắt, nguy hiểm cho các phương tiện đi ngược chiều. Trong nhiều tình huống, có những xe lắp đèn ở phía sau, mỗi lần đạp phanh hoặc bật nguồn, dàn đèn led chiếu thẳng vào xe đi phía sau khiến lái xe phía sau không thể quan sát tình hình để phản xạ kịp thời nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn.
Theo các nhà sản xuất thì việc lắp thêm đèn trợ sáng cho ô tô, xe máy đều tiềm ẩn nguy hiểm cho mình và cho người khác vì các hệ thống đèn trên ô tô, xe máy khi thiết kế đã được tính toán về kỹ thuật, sự an toàn của hệ thống điện. Việc tự ý “độ” đèn có nghĩa là đã can thiệp, thay đổi một số bộ phận kết cấu bên trong xe, chưa kể hiện nay trên thị trường có nhiều loại đèn chấp lượng thấp, không có nguồn gốc dẫn đến nguy cơ cháy nổ do chập điện rất cao.
Ảnh minh họa
Tại khoản 13, Điều 8Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Nghiêm cấm các hành vi lắp đặt, sử dụng đèn không đúng với thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới gây mất trật tự an toàn giao thông.
Đối với hành vi vi phạm: “Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau” người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (theo điểm h, khoản 1, Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Đối với người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) có hành vi vi phạm: “Điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng (theo điểm a, khoản 3, Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng và tịch thu đèn lắp thêm.
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới cần sử dụng hệ thống đèn của phương tiện đúng cách, đúng quy định để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho mình và cho những người khác.