Ngày 14/2/2022 vừa qua, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW hướng dẫn các địa phương nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương về đảm bảo an toàn PCCC phù hợp với đặc thù của địa phương.
Hiện nay, qua rà soát, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực PCCC và CNCH có hơn 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong đó có hơn 70 tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về thiết kế các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà, công trình và các phương tiện PCCC. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn PCCC, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã và đang tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng và ban hành nhiều tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC và CNCH.
Trong 5 năm qua, đã có 14 tiêu chuẩn và 11 quy chuẩn quy định về PCCC được ban hành, trong đó C07 đã trực tiếp xây dựng và ban hành mới 14 tiêu chuẩn và 03 quy chuẩn, riêng trong năm 2020, 2021 đã có 9 tiêu chuẩn và 02 quy chuẩn được xây dựng và ban hành, trong năm 2022 dự kiến ban hành 12 tiêu chuẩn. Tuy nhiên, một số địa phương có phản ánh về việc các tiêu chuẩn hiện nay có nhiều quy định chưa phù hợp với các cơ sở, công trình, phương tiện giao thông có tính chất đặc thù của địa phương (ví dụ: các công trình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; các cơ sở kinh doanh, công trình công cộng có tính chất đặc thù của địa phương; phương tiện giao thông cơ giới đường thủy, đường bộ; các quy định về bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sản xuất, khai thác, bảo quản, sử dụng các sản phẩm, hàng hóa có nguy hiểm cháy, nổ...). Do đó, việc tiếp tục rà soát những bất cập trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và công trình, cơ sở, phương tiện giao thông đặc thù tại các địa phương để xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật địa phương nhằm bảo đảm an toàn PCCC là rất cần thiết.
Căn cứ quy định của pháp luật và thực hiện quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, trong đó có giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm “Rà soát các cơ sở, công trình, phương tiện giao thông có tính chất đặc thù của địa phương để xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình, đối tượng đặc thù nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy”. Ngày 14/2/2022, Bộ Công an có văn bản số 387/BCA-PCCC&CNCH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn triển khai nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về PCCC. Trong đó Bộ Công an có đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
1. Rà soát các cơ sở, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có tính chất đặc thù của địa phương cần thiết ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về bảo đảm an toàn PCCC để lập kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (kế hoạch 5 năm và kế hoạch hằng năm). Chú ý các quy chuẩn kỹ thuật địa phương phải quy định về bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình, đối tượng đặc thù nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy hoặc các quy định hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn đặc thù của địa phương.
2. Việc lập kế hoạch, trình tự xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương tuân thủ theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01/08/2007 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định 78/2018/ND-CP ngày 16/05/2018 sửa đổi Nghị định 127/2007/NĐ-CP; Thông tư 26/2019/TT-BKHCN ngày 25/12/2019 của Bộ KHCN Quy định chi tiết xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC và CNCH nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.