Chiều 23/03/2021, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) năm 2020. Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì Hội nghị.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự đã trình bày báo cáo tổng kết thực hiện Đề án phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH. Theo đó, việc thực hiện có hiệu quả hai đề án trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào kết quả công tác phòng, chống tội phạm, tạo chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Tội phạm về hình sự đã được kiềm chế, số vụ xảy ra năm sau giảm liên tục so với năm trước. Đặc biệt năm 2019 giảm 7,39%; năm 2020 giảm 5,43%. Tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt trên 80%, liên tục tăng qua các năm...
Dự hội nghị tại điểm cầu CATP Hải Phòng có Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam; Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc CATP; Đại tá Lê Nguyên Trường, Phó giám đốc CATP, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT – CATP.
Giai đoạn 2017 - 2020, lực lượng chức năng toàn quốc, trong đó chủ công là lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra phòng, chống tội phạm về ma túy, Cục phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng, đã phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức. Kết quả, đã đấu tranh, triệt phá 6.992 băng nhóm tội phạm với trên 36 nghìn đối tượng, trong đó có những băng nhóm lưu manh, côn đồ, hình sự cộm cán, hoạt động tinh vi, núp bóng doanh nghiệp, đan xen trên các lĩnh vực hình sự, kinh tế, môi trường… Những kết quả đạt được đã góp phần rất quan trọng kiềm chế, làm giảm sự gia tăng phức tạp của tội phạm, bảo đảm TTATXH.
Thứ trưởng Lê Quý Vương trao Bằng khen của Bộ Công an tặng các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện hai Đề án.
Thực hiện Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lựa chọn 1.951 địa bàn trọng điểm để tập trung chuyển hóa. Qua đó, đã có 1.256 địa bàn được chuyển hóa, chiếm tỷ lệ 64,38% tổng số địa bàn, đạt và vượt chỉ tiêu của Đề án; có 1.437 địa bàn tội phạm xâm phạm trật tự xã hội giảm, được Trưởng Ban Chỉ đạo 138 các tỉnh, thành phố ban hành quyết định đưa ra khỏi diện địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo 138 và Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung thảo luận về đánh giá thực trạng tình hình, kết quả thực hiện hai Đề án trong thời gian qua; đi sâu phân tích các giải pháp, cách làm cụ thể, sáng tạo trong việc thực hiện các Đề án. Đồng thời, làm rõ những khó khăn, vướng mắc và rút ra những bài học kinh nghiệm trong thực hiện các Đề án; tập trung kiến nghị những giải pháp mới, đột phá để thực hiện có hiệu quả hai Đề án này trong thời gian tiếp theo…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Qúy Vương ghi nhận, biểu dương những thành tích của lực lượng Công an, các ngành, các cấp, đơn vị, địa phương đã đạt được trong thực hiện hai Đề án thời gian qua. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt hai Đề án, Thứ trưởng Lê Qúy Vương đề nghị, Công an các địa phương nhanh chóng xây dựng, triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức giai đoạn 2021 - 2025; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch, kiên quyết không để tội phạm hoạt động lộng hành theo kiểu “xã hội đen”. Thứ trưởng Lê Qúy Vương nhấn mạnh nội dung quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an “Nơi nào còn để các băng nhóm tội phạm hoạt động phức tạp, gây dư luận xấu thì lực lượng Công an nơi đó không hoàn thành nhiệm vụ. Thủ trưởng đơn vị Công an nơi đó phải chịu trách nhiệm”. Qua đó yêu cầu, Công an các cấp tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm có tổ chức. Đối với công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH, Thứ trưởng Lê Qúy Vương nêu rõ, Công an các đơn vị, địa phương phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Công an; chủ động tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; kịp thời phát hiện, điều tra xử lý các loại tội phạm, nhất là các vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Nhân dịp này, Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho 39 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện hai Đề án.