Luật Cư trú số 68/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021 đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới mang tính “cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý cư trú so với Luật Cư trú năm 2006. Để sớm đưa Luật Cư trú đi vào cuộc sống, Chuyên đề ANHP có cuộc trao đổi nhanh với Đại tá Bùi Trung Thành - Phó Giám đốc CATP xung quanh các vấn đề liên quan.
Đại tá Bùi Trung Thành - Phó Giám đốc CATP
PV: Trước hết xin Đại tá chia sẻ đôi điều về sự cần thiết cũng như vai trò, tầm quan trọng của việc ban hành Luật Cư trú năm 2020?
Đại tá Bùi Trung Thành: Tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta và được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công dân được thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú.
Luật Cư trú năm 2006 được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, góp phần từng bước hoàn thiện quy định của pháp luật về cư trú. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm ANTT đặt ra trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển KT-XH, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), thì việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú năm 2020 là rất cần thiết. Đây là đạo luật rất quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú, bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT trong tình hình mới; đơn giản hoá TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú và đáp ứng yêu cầu ứng dụng KHCN tiên tiến trong công tác quản lý cư trú.
Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn Luật Cư trú năm 2020 và các Nghị định thi hành của Bộ Công an
PV: Vậy Luật Cư trú năm 2020 có những điểm gì mới so với Luật Cư trú năm 2006, thưa Đại tá?
Đại tá Bùi Trung Thành: Luật Cư trú năm 2020 gồm 7 chương, 38 điều. Trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật Cư trú năm 2006, Luật Cư trú năm 2020 có một số điểm mới, sửa đổi, bổ sung mang tính “cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý cư trú. Có thể khái quát thành một số điểm mới nổi bật như sau:
1. Bổ sung nội dung về giải thích từ ngữ
Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung quy định về giải thích từ ngữ để làm rõ một số thuật ngữ liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú, bao gồm: chỗ ở hợp pháp; cư trú; Cơ sở dữ liệu về cư trú; cơ quan đăng ký cư trú; đăng ký cư trú; lưu trú; tạm vắng; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại (Điều 2).
2. Bổ sung một số trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú
So với Luật Cư trú 2006, Luật đã bổ sung một số trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú đối với: (1) Người bị cách ly có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng; (2) Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này. Quy định này đảm bảo phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan như pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm…
3. Sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú
Luật Cư trú năm 2020 bỏ một số nội dung quy định hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến Sổ hộ khẩu; đồng thời, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới như truy cập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú... Theo đó, Điều 7 Luật Cư trú năm 2020 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm về cư trú.
4. Quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú
Luật Cư trú năm 2020 quy định rõ quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú. Theo đó, Điều 10 của Luật đã quy định những nội dung cơ bản về hộ gia đình, nguyên tắc xác định, quyền và trách nhiệm của chủ hộ và quyền, nghĩa vụ của thành viên hộ gia đình trong việc đề cử chủ hộ.
Hai hệ thống CSDLQG về DC và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2021 khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành
5. Sửa đổi, bổ sung về điều kiện đăng ký thường trú
Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 20); việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.
Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Cụ thể, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2/sàn/người (điểm b khoản 3 Điều 20). Đồng thời, người này còn phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Theo đó, trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.
Hai hệ thống CSDLQG về DC và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2021 khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành
6. Sửa đổi thẩm quyền đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương
Luật Cư trú năm 2006 quy định thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là Công an quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên trước chủ trương Công an xã, phường, thị trấn (viết chung là Công an cấp xã) phải bám cơ sở của Bộ Công an; trong đó, quản lý cư trú là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước của lực lượng Công an nhân dân tại địa bàn cơ sở xã, phường, thị trấn. Đồng thời việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an thực hiện cũng xác định lực lượng chủ chốt có trách nhiệm cập nhật, quản lý thông tin về cư trú của công dân là Công an cấp xã; do đó, Bộ Công an đã đề xuất điều chỉnh thẩm quyền thực hiện giải quyết đăng ký thường trú theo hướng quy định thống nhất trên mọi địa bàn đều là Công an cấp xã nơi công dân cư trú để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú trong tình hình mới.
7. Thay thế việc đăng ký, quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức đăng ký, quản lý bằng công nghệ thông tin (chính thức bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú)
Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi Sổ hộ khẩu; cấp lại Sổ hộ khẩu; cấp Giấy chuyển hộ khẩu. Bên cạnh đó, do sử dụng phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian. Theo quy định hiện hành, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày, còn theo quy định Luật Cư trú năm 2020 tối đa là 7 ngày (khoản 3 Điều 22).
8. Sửa đổi, bổ sung các địa điểm không được đăng ký thường trú mới
Điều 23 Luật Cư trú năm 2020 quy định 5 nhóm địa điểm không được đăng ký thường trú mới để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với pháp luật chuyên ngành như hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính, thi hành án hình sự, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tình trạng khẩn cấp.
9. Sửa đổi, bổ sung các trường hợp xóa đăng ký thường trú
Ngoài các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú như hiện nay, xuất phát từ thực tiễn và để nâng cao hiệu quả quản lý về cư trú, nắm đúng thực tế số hộ, số người thường trú trên địa bàn, hạn chế tình trạng cư trú “ảo” (công dân đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú), phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạch định, thực hiện chính sách an ninh xã hội cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người có liên quan, Do vậy, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú tại Điều 24 để ghi nhận chính xác tình trạng cư trú của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ công tác quản lý dân cư nói chung và quản lý về cư trú nói riêng; không làm ảnh hưởng đến các thông tin cá nhân, thông tin về hộ tịch khác của công dân.
Hai hệ thống CSDLQG về DC và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2021 khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành (Ảnh tư liệu)
10. Bổ sung quy định để quản lý đối với trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú
Đây là quy định mới so với Luật Cư trú năm 2006. Thực tiễn có trường hợp công dân không có nơi thường trú, nơi tạm trú và cũng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú (như người di cư, sống lang thang không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú…); do vậy, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ, cũng như quản lý dân cư được chặt chẽ hơn, Luật Cư trú năm 2020 bổ sung một điều quy định về nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
Việc bổ sung quy định này có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với dân cư cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân Việt Nam chưa có nơi thường trú, nơi tạm trú. Quy định này sẽ là cơ sở để các địa phương xây dựng và áp dụng các chính sách về kinh tế - xã hội phù hợp cho nhóm người này; bảo đảm tốt hơn nữa trong công tác quản lý dân cư, giữ gìn an ninh, trật tự; nhất là trong giai đoạn hiện nay khi đất nước ta áp dụng phương thức quản lý dân cư bằng Cơ sở dữ liệu điện tử thông qua mã số định danh cá nhân.
Hai hệ thống CSDLQG về DC và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2021 khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành
11. Bổ sung quy định về xóa đăng ký tạm trú
Luật Cư trú năm 2020 bổ sung 4 quy định về xóa đăng ký tạm trú để quản lý chặt chẽ tình hình biến động của dân cư sinh sống.
12. Bổ sung, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú; trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú
Luật Cư trú năm 2020 bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an trong việc tổ chức việc đăng ký, quản lý cư trú trên toàn quốc, cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC), Cơ sở dữ liệu về cư trú (điểm b khoản 1 Điều 32); xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an (khoản 3 Điều 33).
Hai hệ thống CSDLQG về DC và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2021 khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành
13. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của các luật có liên quan đến quản lý cư trú
Luật bổ sung quy định về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 của Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 để bổ sung một số trường thông tin của công dân vào CSDLQG về DC phục vụ việc giải quyết các thủ tục hành chính và nhu cầu dân sự của công dân, gồm: nơi tạm trú; tình trạng khai báo tạm vắng; quan hệ với chủ hộ và họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của các thành viên hộ gia đình.
Luật cũng quy định bãi bỏ một số nội dung liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú, sử dụng thông tin liên quan đến Sổ hộ khẩu trong giải quyết thủ tục hành chính của Luật Thủ đô, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Lý lịch tư pháp.
Hai hệ thống CSDLQG về DC và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2021 khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành
14. Về điều khoản thi hành
Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31-12-2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở sữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Luật giao trách nhiệm cho Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
PV: Để sớm đưa Luật Cư trú năm 2020 đi vào cuộc sống, CATP đã, đang và sẽ triển khai những giải pháp gì thưa Đại tá?
Đại tá Bùi Trung Thành: để sớm đưa Luật vào cuộc sống, bám sát và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an, CATP đã xây dựng, ban hành Kế hoạch đào tạo, tập huấn chuyên sâu những điểm mới của Luật Cư trú, các Nghị định hướng dẫn thi hành cũng như quy trình đăng ký, quản lý cư trú theo phương thức mới thông qua CSDLQG về DC và các văn bản, kế hoạch về việc triển khai thực hiện Luật Cư trú. Trong đó, CATP đã giao trách nhiệm cụ thể cho Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo đó, trước mắt, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung cao cho công tác quán triệt, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Cư trú, các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ chiến sỹ, nhất là đội ngũ cán bộ chiến sỹ làm công tác đăng ký, quản lý cư trú, vận hành CSDLQG về DC để giúp lực lượng này nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật. Từ đó, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý cư trú, xây dựng, quản lý vận hành CSDLQG về DC tại Hải Phòng, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản chỉ đạo triển khai thi hành Luật, đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết quy định về điều kiện diện tích bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp cho thuê, mượn, ở nhờ theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 20 Luật Cư trú; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự có liên quan đến quy định pháp luật về cư trú để đề xuất với Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi hỏ hoặc ban hành văn bản mới phù hợp với Luật Cư trú; chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài lực lượng Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, những nội dung cơ bản, điểm mới của Luật Cư trú năm 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân trong quá trình đưa Luật vào cuộc sống…
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại tá!
Theo báo An ninh Hải Phòng