Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quy định như sau:
Hành lang an toàn đường sắt: Là phạm vi được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với phạm vi bảo vệ đường sắt, để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông.
Cũng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 56/2018/NĐ-CP về hành lang an toàn giao thông đường sắt:
1. Chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định như sau:
a) Đường sắt tốc độ cao: Trong khu vực đô thị là 05 mét, ngoài khu vực đô thị là 15 mét. Đối với đường sắt tốc độ cao, phải xây dựng rào cách ly hành lang an toàn giao thông đường sắt để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép;
b) Đường sắt đô thị đi trên mặt đất và đường sắt còn lại là 03 mét.
Ảnh: Đỗ xe vi phạm hành lang an toàn đường sắt
Một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt
Tại khoản 2 - Điều 9 Luật đường sắt có hiệu lực ngày 16/06/2017 quy định: Nghiêm cấm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
- Tại Điểm h - Khoản 2 - Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm: Dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt.Trường hợp này không áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b - khoản 2; Điểm b - khoản 3, Điều 49 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
- Tại Điểm d - khoản 3 – Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm: Dừng xe , đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt. Trường hợp này không áp dụng với các hành vi vi phạm quy định tại điểm b- khoản 2, Điểm b- khoản 3 Điều 49 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Hiện nay, tình hình vi phạm TTATGT đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt (đường ngang), nhất là những đoạn đi qua khu đông dân cư vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường sắt của người dân còn hạn chế. Nhiều người dân sinh sống ở dọc tuyến đường sắt tự ý tháo dỡ hàng rào tôn chắn sóng, họp chợ gần khu vực đường sắt, những hành vi như: để, đổ rác thải, mua bán, họp chợ trên đường sắt, người dân ngồi, đi, tụ tập…trên đường sắt vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Vì vậy tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cao.
Để khắc phục tình trạng trên cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân để nâng cao ý thức chấp hành, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm hành lang an toàn đường sắt.