"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống

A
Cập nhật: 15/02/2020 08:00

Trong những năm gần đây, việc thay đổi các Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khá “dày đặc”: năm 2010 có Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010; đến năm 2012 có Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP; năm 2013 có Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013; năm 2016 có Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016. 
Sau 03 năm thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) gồm 5 Chương, 86 Điều đã chính thức có hiệu lực từ 01/01/2020. Có thể nói, Nghị định này có sự thay đổi rất lớn, tác động sâu rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt bổ sung, mô tả làm rõ hơn các hành vi vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông. 
Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
So với các quy định trước đây, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2017, 2018 và những tháng đầu năm 2019 cho thấy tình hình tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt vẫn diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu (số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 0.75%), trong đó đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt còn diễn ra khá phổ biến; trong 06 tháng đầu năm 2019 (tính từ ngày 16/12/2018 đến 15/6/2019), toàn quốc đã xảy ra 8.385 vụ TNGT, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người.
Trong lĩnh vực đường bộ, tình trạng vi phạm các quy định trên đường cao tốc có diễn biến phức tạp. Hiện tượng dừng xe, đỗ xe, lùi xe ô tô trên đường cao tốc; đón, trả khách, nhận, trả hàng trên đường cao tốc; điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc… có chiều hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện trong thời gian qua còn diễn ra khá phổ biến. Từ cuối năm 2018 đến nay, có nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên quan đến nguyên nhân lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy, đi không đúng làn đường, phần đường,… làm chết và bị thương nhiều người, thậm chí có những trường hợp phải xử lý hình sự; gây bức xúc trong dư luận, tạo áp lực cho công tác bảo đảm ATGT. Một số hành vi trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được quy định xử phạt trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP, như: hành vi lắp thêm đèn chiếu sáng phía trước, hai bên thành của xe ô tô, gây ảnh hưởng, mất an toàn giao thông đối với xe đi ngược chiều; trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong việc cấp giấy vận tải, lệnh vận chuyển cho lái xe hoặc bảo đảm các quy định về kinh doanh...
Trong lĩnh vực đường sắt, tình trạng vi phạm quy định pháp luật, phá hoại, gây hư hỏng tài sản của ngành đường sắt, phá dỡ các hàng rào, trụ bê tông (để thu hẹp hành lang ATGT đường sắt và tự mở các lối đi) vẫn diễn ra phổ biến; tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát, không chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt còn nhiều; vẫn còn tình trạng nhân viên đường sắt chưa chấp hành nghiêm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy trình liên quan trong bảo đảm ATGT đường sắt… Nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường sắt đang diễn ra trên thực tế nhưng chưa được quy định xử phạt.
Trong thời gian qua có nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt đã được sửa đổi, bổ sung ban hành hoặc sắp được ban hành, như các quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, quy định liên quan đến việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt, về cấp chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, các quy định liên quan đến đường sắt đô thị và 30 Thông tư liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm ATGT trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.
Đặc biệt ngày 14 tháng 6 năm 2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020, trong đó có quy định các hành vi bị nghiêm cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Đây là một trong những quy định được dự luận xã hội chú ý nhất trong thời gian vừa qua.
Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 30/12/2019 được Chính phủ ban hành đã khắc phục được nhiều mặt còn hạn chế của Nghị định 46/2016/NĐ-CP, từng bước đi vào cuộc sống và đã có tác động rất tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông.

Tổng hợp một số lỗi vi phạm giao thông thường gặp theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP


 

 

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21306963
Trực tuyến: ...